Tranh cãi về ý tưởng tiêm vaccine Covid-19 bắt buộc

0
508
Nhà khoa học nghiên cứu vaccine Covid-19 tại một phòng thí nghiệm ở San Diego, California, Mỹ, hồi tháng ba
Nhà khoa học nghiên cứu vaccine Covid-19 tại một phòng thí nghiệm ở San Diego, California, Mỹ, hồi tháng ba

Thủ tướng Australia từng nêu ý tưởng bắt buộc tiêm vaccine Covid-19 cho toàn dân, nhưng phải rút lại trước sự phản đối của những người bài vaccine.

> Úc sẽ miễn phí vaccine Covid-19 cho toàn dân

Tin tức về việc Australia có thể sản xuất 25 triệu liều vaccine Covid-19 vào đầu năm 2021 làm dấy lên hy vọng rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong tương lai không xa. Nhưng bên cạnh đó, nó lại đặt ra những câu hỏi đạo đức quan trọng về cách phân phối vaccine cũng như liệu có nên bắt buộc tiêm vaccine hay không.

Đề cập tới kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 miễn phí cho mọi người dân sớm nhất trong khả năng, Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 19/8 nói rằng ông muốn việc tiêm vaccine sẽ là “bắt buộc”.

Nhà khoa học nghiên cứu vaccine Covid-19 tại một phòng thí nghiệm ở San Diego, California, Mỹ, hồi tháng ba. Ảnh: Reuters.

Nhà khoa học nghiên cứu vaccine Covid-19 tại một phòng thí nghiệm ở San Diego, California, Mỹ, hồi tháng ba. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Y tế Australia Karen Andrews sau đó nhắc lại bình luận trên, cho biết chính phủ “coi đó là một loại vaccine bắt buộc”. Nhưng đến tối cùng ngày, Thủ tướng Morrison đã thay đổi ý kiến. Ông nói trên đài phát thanh 2GB rằng người dân “sẽ không bắt buộc phải tiêm vaccine… Không có vaccine bị bắt buộc sử dụng ở Australia”.

“Không ai được ép buộc ai làm bất kỳ điều gì, nhưng chúng tôi chắc chắn luôn khuyến khích mọi người tiêm vaccine”, ông cho hay. “Tất cả mọi người cần hiểu chúng ta sẽ đạt được gì nếu cố gắng thực hiện”.

Thủ tướng Morrison phải thay đổi bình luận sau khi những phát ngôn ban đầu của ông bị các nhóm bài vaccine ở Australia và trên toàn thế giới phản đối mạnh mẽ. Những người hoài nghi về vaccine đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến.

“Người Australia cần giúp đỡ! Họ muốn bắt chúng tôi tiêm vaccine làm biến đổi ADN. Họ sẽ sớm làm vậy. Tôi không muốn con cái mình bị tiêm thuốc độc”, một người dùng dường như đến từ Australia viết bình luận trên một website quốc tế.

Trên Instagram, Larry Cook, một nhà vận động chống vaccine người Mỹ, sáng lập tổ chức Stop Mandatory Vaccines (Ngừng Bắt buộc Tiêm Vaccine), viết: “Australia đang thúc đẩy mạnh mẽ việc tiêm chủng vaccine Covid-19 bắt buộc. Có ai bất ngờ không? Tôi chắc là không. Sau cùng, đây là một đại dịch đã được lên kế hoạch”.

Mối lo lắng về tiêm chủng không chỉ giới hạn trong các nhóm bài vaccine truyền thống. Một nghiên cứu mới của Mỹ cho thấy 1/3 người dân nước này có thể từ chối tiêm vaccine Covid-19.

Ben Garrison, họa sĩ vẽ tranh biếm họa nổi tiếng từng được Tổng thống Mỹ Donald Trump mời đến Nhà Trắng nhưng từ chối, viết trên Twitter rằng bình luận của Thủ tướng Morrison nên khiến người Mỹ “cảnh giác” về “mối đe dọa sắp đến của chế độ chuyên chế vaccine Covid-19”.

Garrison vẫn đưa ra cảnh báo bất chấp việc tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, cho biết ít có khả năng người dân bị bắt buộc tiêm vaccine Covid-19.

“Chúng ta không thể làm gì nếu ai đó từ chối tiêm vaccine. Bạn không thể ép ai đó phải tiêm vaccine”, ông nói.

Bình luận của Thủ tướng Morrison đã tạo ra một mục tiêu công kích chung cho những nhà vận động chống vaccine, nhưng nó cũng làm bật lên một vấn đề lớn hơn là tình trạng “kháng cự vaccine”, vấn đề mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm ngoái xếp vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.

“Tiêm chủng là một trong những cách hữu hiệu và tiết kiệm nhất để ngăn ngừa dịch bệnh. Nó giúp ngăn chặn 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm và sẽ tăng thêm 1,5 triệu ca nữa nếu mức độ bao phủ tiêm chủng trên thế giới được cải thiện”, WHO nhấn mạnh.

Theo tuần san y khoa Lancet, làn sóng bài vaccine đã được ghi nhận tại 90% quốc gia trên thế giới. Một số người bài vaccine đã thay đổi suy nghĩ sau khi chứng kiến Covid-19 tàn phá thế giới, nhưng với những người khác, đại dịch chỉ khiến họ củng cố quan điểm chống vaccine của mình.

Rất nhiều nhóm bài vaccine đã vận động chống lại kịch bản phải tiêm vaccine Covid-19 bắt buộc suốt nhiều tháng qua dù các nhà khoa học lưu ý rằng phải mất ít nhất một năm nữa vaccine mới có thể trở nên phổ biến.

“Covid-19 là một cơ hội hiếm có đối với những người bài vaccine”, Trung tâm Chống Hận thù Không gian mạng (CCDH), tổ chức phi chính phủ hoạt động chống lại tình trạng sai lệch thông tin trên mạng, cảnh báo trong một báo cáo hồi tháng 7. “Theo nghiên cứu của chúng tôi, quy mô và tốc độ phát triển của phong trào bài vaccine đặc biệt đáng quan ngại. Các nhà khoa học ước tính 82% dân số thế giới phải có miễn dịch với Covid, thông qua việc nhiễm bệnh hoặc tiêm vaccine, thì chúng ta mới kiểm soát được dịch bệnh”.

Kết quả thăm dò do công ty nghiên cứu thị trường YouGov của Anh thực hiện cho thấy 44% người Mỹ và 37% người Anh sẽ cân nhắc không tiêm vaccine Covid-19 ngay cả khi nó được cung cấp đại trà. Kết quả trên tương tự một cuộc thăm dò của CNN hồi tháng 5.

“Chúng tôi đang nhìn thấy tình trạng kháng cự vaccine Covid-19 mạnh hơn so với các loại vaccine khác. Chúng tôi biết và điều đó khiến chúng tôi lo lắng”, Michael Caputo, người phát ngôn Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, tuần trước nói.

Điều này thực sự gây lo ngại bởi hiện tại, nếu không có vaccine Covid-19 hữu hiệu, thế giới không còn cách nào khác để trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch, chuyên gia đánh giá.

Nguồn Vnexpress.net Theo CNN, ABC News

 

 

 

SHARE

Bình luận đã bị đóng.