Úc hỗ trợ ngân sách đầu tư cho khoa học và giáo dục

0
412

Australia – Nguồn ngân sách bổ sung dành cho khoa học của Chính phủ Úc kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 sẽ đáp ứng được nhu cầu cần thiết của các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu quốc gia này.

Viện nghiên cứu nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty tại Melbourne là nơi đầu tiên ngoài Trung Quốc sao chép được coronavirus. Nguồn: Viện Peter Doherty

Ngày 6/10/2020, các trường đại học và cơ quan khoa học quốc gia Úc đã có được phao cứu sinh khi Chính phủ Úc công bố hỗ trợ ngân sách đầu tư cho khoa học gồm 1 tỉ đô la Úc (tương đương 710 triệu USD) sẽ được trao cho các trường đại học nhằm hỗ trợ công việc nghiên cứu vào năm tới, và Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) cũng sẽ nhận được một khoản tăng thêm 459 triệu đô la Úc trong vòng bốn năm. Đó là một phần của khoản chi ngân sách chủ yếu được thiết kế để kích hoạt nền kinh tế đang bị đại dịch ảnh hưởng.

Các nhà nghiên cứu Úc cho rằng khoản đầu tư này là một cú thúc đẩy rất có ý nghĩa với khoa học, đặc biệt với công việc nghiên cứu trong trường đại học, nơi đang phải chịu một sự thiếu hụt tài chính khủng khiếp vì đại dịch coronavirus. Tuy đồng ý với quan điểm này nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính phủ cần làm nhiều hơn để tạo điều kiện cho công việc nghiên cứu trong tương lai được bền vững hơn.

Con số 1 tỉ đô la Úc sẽ “giúp các trường đại học đối phó với cơn khủng hoảng hiện nay mà chúng tôi đang phải đối mặt và giữ chân được những người đang có nguy cơ quỵ ngã trong thời gian tới”, Duncan Ivison, phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu tại trường Đại học Sydney, đánh giá. Nhưng khoản ngân sách này không thể giải quyết được vấn đề thiếu ngân sách nghiên cứu trong dài hạn. “Chúng tôi vẫn phải tìm ra cách chi trả lương cho mọi người trong năm tiếp theo”.

Chính phủ Úc cũng vẫn giữ cam kết đã đưa ra vào năm 2018 là đầu tư 1,9 tỉ đô la Úc vào cơ sở hạ tầng nghiên cứu, dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 12 năm. Trong ngân sách đầu tư cho khoa học mới đây, 8,3 triệu đô la Úc đã được rót cho cơ sở hạ tầng tổng hợp sinh học, 36,3 triệu đô la Úc để nâng cấp “một mô phỏng biển” cho Viện nghiên cứu Khoa học đại dương quốc gia Úc ở gần Townsville để nghiên cứu về các sinh vật biển, và 7,6 triệu đô la Úc cho Cộng đồng Hệ mô phỏng Khí hậu cộng đồng và Trái đất Úc (ACCESS) để các nhà nghiên cứu khí hậu sử dụng mô hình hóa biến đổi khí hậu trong ba năm tới.

Chính phủ cũng loan báo con số 1,9 tỉ đô la Úc cho các công nghệ giúp phát thải ô nhiễm thấp và công nghệ năng lượng tái tạo trong vòng 12 năm. Tuy nhiên, con số cuối cùng về các khoản chi này sẽ cần được Thượng nghị viện Úc chấp thuận.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ trích chính quyền vì các kế hoạch hỗ trợ những dự án về khí thiên nhiên và đầu tư vào việc lưu trữ phát thải carbon, vốn sẽ có nhiệm vụ tăng thêm vòng đời cho các nhà máy nhiệt điện than. “Khoản ngân sách này là phần cơ hội bị mất mát để giúp nền kinh tế Úc cắt giảm phát thải carbon, ngay cả khi quốc gia này đang phải đối mặt với những cuộc cháy rừng và đợt tẩy trắng san hô thứ ba ở Great Barrier Reef vào đầu năm nay,” nhà sinh học đại dương Terry Hughes tại trường Đại học James Cook ở Townsville nói.

Đầu tư cho trường đại học

Con số 1 tỉ đô la Úc cho các trường đại học sẽ bắt đầu được giải ngân vào tháng 1/2021 thông qua Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, vốn có thể được sử dụng cho các chi phí liên quan đến nghiên cứu như điện nước, thư viện (trong đó có phí truy cập bài báo), thiết bị phòng thí nghiệm và lương cho các nhà nghiên cứu, nhân viên kỹ thuật… Vicki Thomson, người điều hành chính của Group of Eight, vốn là tổ chức đại diện cho các trường đại học nghiên cứu hàng đầu Úc, đã nói trong một thông báo là việc có được khoản đầu tư đầy linh hoạt này “cho phép chúng tôi có thể làm được những công việc cần thiết ngay từ bây giờ”.

Khoản kinh phí này “sẽ giúp chúng tôi ngăn chặn khả năng mất việc của một số nhà nghiên cứu, theo nhận định của Peter Hurley, một nhà nghiên cứu về chính sách giáo dục tại trường Đại học Victoria ở Melbourne. Viện Hàn lâm Khoa học Úc cũng nói, việc buộc phải cắt giảm những vị trí nghiên cứu trong các trường đại học trong vòng sáu tháng qua cũng đồng nghĩa với việc mất đi những vị trí trong tương lai. “Chúng tôi phải làm thế nào để có thể đem lại cho các nhà nghiên cứu ở giai đoạn đầu sự nghiệp – đặc biệt là các nhà nghiên cứu nữ trẻ? Hi vọng là sẽ có những khoản đầu tư tiếp tục để họ có thể thực hiện nghiên cứu của mình, những điều mà chúng tôi biết là cần cho tương lai họ và cho cả nước Úc”, Ivison đặt câu hỏi. Ông cho biết, trường đại học mà ông đang làm việc đang trong quá trình tư vấn về cách đối phó với tình trạng dư thừa thành viên để chuẩn bị ứng phó với sự sụt giảm được dự báo trước về doanh thu vào khoảng 800 triệu đô la Úc trong bốn năm tới.

Frank Jotzo, một nhà kinh tế môi trường ở trường Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, nói việc đầu tư cho các trường đại học là điều cần thiết cho phục hồi kinh tế và hỗ trợ cho sự phồn thịnh trong tương lai của Úc. Tuy vậy tiền trao cho các trường đại học và nghiên cứu năng lượng lại thấp hơn khoản hàng chục tỉ đô la Úc để cắt giảm thuế thu nhập và hỗ trợ doanh nghiệp, ông lưu ý. “Có lẽ không rõ là chính phủ có thực sự hỗ trợ các trường đại học như một phần của gói hỗ trợ phục hồi đại dịch hay không”.

Dẫu vậy, chính phủ đã thành lập một nhóm làm việc với các trường đị học để xác địch các cách đầu tư cho khoa học ngay trong thời kỳ dại dịch.

Nếu không có kinh phí, các viện nghiên cứu ÚC sẽ không đủ khả năng mời được các nhà nghiên cứu ở đẳng cấp quốc tế và nghiên cứu sinh mà họ cần để duy trì sức cạnh tranh trong thế giới khoa học. Vì vậy, tôi cho rằng có một số điều mà Úc cần phải theo đuổi.

1. Phát triển một chính sách khoa học quốc gia mạch lạc hơn với những ưu tiên có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực nghiên cứu. Khung chính sách này sẽ tăng lợi ích cho các trường đại họ, cho phép họ đầu tư vào những thế mạnh nghiên cứu của mình và giảm bớt những chương trình không thực sự hiệu quả.

2. Chính phủ Úc nên nhìn nhận một cách đầy đủ các khoản chi của nghiên cứu và phát triển một chính sách ở tầm quốc gia cho các giải thưởng, tài trợ và hợp đồng lao động dành cho các nhà khoa học. Việc đầu tư không đủ chi phí nghiên cứu thực tế là nguyên nhân chính khiến các trường đại học phải sử dụng học phí của sinh viên để hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu. Vấn đề này vẫn còn chưa được giải quyết ổn thỏa trong nhiều thập kỷ qua ở Úc, trong khi Mỹ và Anh đã có các chính sách giải quyết vấn đề này trong nhiều năm và có thể đem lại các khuôn mẫu để Úc học hỏi.

3. Cần cắt giảm các chi phí về quản trị nghiên cứu, có quá nhiều quan liêu trong việc xác định cách đánh giá hiệu suất nghiên cứu và nhiều chương trình cấp tài trợ cho nghiên cứu có mức tỉ lệ thành công thấp.

4. Các trường đại học cần tiết kiệm các khoản chi cho điều hành chung và phải nhận diện được các nguồn thu mới để gia tăng đầu tư cho nghiên cứu một cách bền vững.

5. Các trường phải tăng cường hợp tác với những lĩnh vực nghiên cứu khác, bao gồm các viện nghiên cứu độc lập, các cơ quan nghiên cứu của chính phủ và ngành công nghiệp cả ở quy mô quốc gia và quốc tế. Việc liên kết sâu hơn và rộng hơn sẽ giúp ổn định các chương trình nghiên cứu.

Không có những ví dụ nào về lợi ích dài hạn do khoa học mang lại cho đất nước sống động hơn nghiên cứu mang tính tiên phong về phát triển vaccine Covid-19 đang được thực hiện ở Úc. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được điều này với trình độ nghiên cứu trong y học ở đẳng cấp quốc tế – kết quả của việc đầu tư dài hạn của chính phủ trong vòng nhiều thập kỷ qua.

Giáo sư Frank Larkins, cựu phó hiệu trưởng trường đại học Melbourne

Anh Vũ (Theo Nature.com, Theconversation)

Bình luận đã bị đóng.