Tiến sĩ Việt ra nước ngoài phát triển công nghệ trồng nho sạch

0
545

Dứt bỏ thành quả 10 năm nghiên cứu công nghệ màng lọc, TS Hải Anh chuyển đến vùng đất mới ở Australia trồng nho sạch để làm rượu vang.

Khi trời còn tờ mờ sáng,Tiến sỹ Nguyễn Hải Anh (41 tuổi) đã lái xe tới trang trại nho của mình ở Tasmania (Australia) để kiểm tra thiết bị tự động chống sương giá cho cây nho lắp từ tháng trước. Hệ thống có tên Vine-AI, bao gồm các cảm biến, kết nối tự động không dây nhờ IoT và công nghệ LORA để phân tích dữ liệu. Đồng thời sử dụng trí tuệ nhân tạo để quan trắc và điều khiển tự động, giúp người trồng giám sát các điều kiện của khí hậu, thời tiết đối với cây trồng. Thiết bị này do chị và nhóm kỹ sư thiết kế được đưa vào thử nghiệm trên 6,5 ha nho.

Con đường đến với nông nghiệp của chị có phần trái với lĩnh vực chị theo đuổi từ đầu. Sinh ra ở Hà Nội, từng tốt nghiệp Đại học Xây dựng Việt Nam, chuyên ngành công nghệ môi trường, rồi tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học Kỹ thuật tại trường Đại học Tổng hợp Ottawa ở Canada, tiến sĩ công nghệ môi trường (Đại học Tổng hợp Massachusetts), chị gặt hái nhiều thành quả về phát triển công nghệ màng lọc và vật liệu nano trong môi trường nước. Công nghệ này được cấp bằng sáng chế năm 2015 và được một công ty sản xuất màng lọc lớn tại Canada đưa vào thử nghiệm ứng dụng.

Đang sống lại Sydney nhưng trong trong một lần cùng gia đình đi du lịch Tasmania, bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của vùng đất này. Thăm quan các vườn nho của người dân địa phương, nơi còn sử dụng các phương pháp canh tác truyền thống, chị nảy ra ý tưởng khởi nghiệp trang trại trồng nho, nhưng ứng dụng các kỹ thuật công nghệ. “Nếu có thể đưa nền tảng kiến thức về công nghệ kỹ thuật mà mình có, áp dụng vào lĩnh vực yêu thích và phát triển nông nghiệp bền vững, như vậy sẽ trọn vẹn hơn”, chị nghĩ.

Nghĩ và bắt tay vào làm, đến 2017 chị khởi nghiệp trang trại “ese vineyard, Torch Bearer Wines Estate” khi không có nhiều kiến thức về trồng nho làm rượu vang. Mọi tâm huyết và thời gian chị đều dành làm những việc nhỏ nhất như tỉa cành, tỉa lá đến những quy trình kỹ thuật vận hành trang trại.

Thời gian đầu, việc phòng bệnh cho cây trồng được sử dụng thuốc hóa học. Phương pháp này cho sản lượng ổn định nhưng chất lượng đất sau mỗi vụ đều kém, khó nuôi dưỡng và cải tạo cho vụ tới. Chị đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu môi trường đất và nước, hệ sinh thái, kỹ thuật. Trong một lần có dịp tiếp cận cuốn sách của một nông dân người Nhật về phương pháp nông nghiệp sạch tự nhiên (biodynamic), chị bị thuyết phục.

Phương pháp này không dùng thuốc hóa học mà canh tác thuận tự nhiên, tập trung tái tạo và phát triển các sinh vật có lợi, giúp phân hủy các dinh dưỡng trong đất để cây dễ hấp thu. Cây khỏe, có sức đề kháng tốt, chống lại được dịch bệnh. Chị quyết định tìm hiểu thêm các bước thử áp dụng phương pháp này vào trang trại của mình.

Năm đầu chuyển sang làm canh tác tự nhiên, hoàn toàn không dùng thuốc hóa học, cây trong trang trại chưa quen nên bệnh nhiều, sản lượng thấp. Được bạn bè theo phương pháp phun thuốc khuyên trở lại cách truyền thống, chị hoang mang. “Nói thật là phải thực sự dũng cảm để quyết định tiếp tục đi theo đường mình chọn, chấp nhận sản lượng thấp cho năm đó để chuyển hướng canh tác sạch, thuận tự nhiên, nếu áp dụng nửa vời không đem lại hiệu quả”, TS Anh chia sẻ.

Những năm sau, khi thực vật quen với cách chăm sóc tự nhiên, cây khỏe hơn, khả năng kháng bệnh cao hơn. Mọi hoạt động nuôi trồng khác trên trang trại (cây nối vụ, vật nuôi) đều phục vụ xây dựng hệ sinh thái tự nhiên cho cây nho. Trang trại chị nuôi cừu, ngỗng, vịt, giúp quản lý cỏ nền và các côn trùng, đồng thời cung cấp phân bón cho cây trồng. Nhờ vậy, trái nho cho hương vị ngon, đậm đà tự nhiên hơn vì không có bất cứ dư lượng hóa học nào. Rượu vang được làm ra nhiều khoáng chất và có đặc trưng riêng.

Cố gắng được đền đáp khi năm 2019 chị được nhận giải thưởng Women Award bang Tasmania của AgriFutures nhờ những nỗ lực sáng tạo và phát triển giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh vào phát triển ngành nông nghiệp sạch và bền vững hơn. Sản phẩm rượu vang từ trang trại cũng nhận được hơn 50 giải thưởng vàng, bạc từ các cuộc thi quốc tế về rượu. Chị được báo chí quốc tế gọi là “the shining light of innovation in agriculture” (ngọn đèn sáng trong đổi mới nông nghiệp). Bây giờ trang trại của chị đã trồng đủ nho sạch đạt sản lượng sản xuất 30.000 chai rượu nho mỗi năm.

Vui với thành quả khởi nghiệp, nhưng nhớ lại những ngày đầu chuyển cả gia đình đến vùng đất mới, bỏ lại những thành quả đạt được trong suốt 10 năm trước đó, chị thực sự thấy vẫn còn run. Nhưng ngày đó trong suy tính của chị chỉ có một câu hỏi lớn: Nếu không đi, sau này nhìn lại có thể sẽ hối tiếc vì không một lần thử làm những điều mới!.

“Không thành công thì có thể làm lại từ đầu, nhưng cơ hội không phải lúc nào cũng đến, nếu bỏ lỡ thì thật đáng tiếc”, chị trăn trở. Cũng may ngày đó chị được người thân động viên, ủng hộ và đã quyết tâm đến Tasmania lập nghiệp, bắt đầu hành trình mới. “Tôi lái một chiếc xe hơi, chồng một xe đi xuyên Australia rồi lên thuyền ra vùng đất mới, trong lòng tràn đầy niềm hứng khởi”, chị nhớ rõ cảm xúc lúc đó.

Gắn bó với vùng Tasmania được ba năm, chị luôn cảm thấy biết ơn thiên nhiên, nơi đây đã ưu ái, cho chị những trải nghiệm khó quên. TS Hải Anh cho biết, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện các loại cảm ứng khác để tiến tới tự động hóa hoạt động tưới tiêu, bảo vệ cây trồng và quản lý chất lượng của trang trại. Mục tiêu xa hơn sẽ kết hợp với đội ngũ kỹ sư ở Việt Nam mở rộng phát triển các ứng dụng công nghệ điều khiển tự động cho nông nghiệp. Đồng thời hướng dẫn các hộ trang trại đưa công nghệ vào quản lý.

Australiavisa.vn theo Vnexpress

SHARE

Bình luận đã bị đóng.