Nhưng lưu ý khi thuê nhà ở Australia cho du học sinh Việt Nam

0
556

Nếu ở homestay, bạn phải chịu nhiều ràng buộc, như không được tắm, giặt và làm ồn sau 10h tối, khi tắm thời gian nước chảy không quá 4 phút.

Bài viết liên quan:
>> Top 10 đại học hàng đầu Australia năm 2020
>> Du học Australia và những cú sốc văn hóa
>> Visa 188a Úc

Suốt thời gian học cử nhân Kế toán và thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Victoria (Melbourne, Australia), chị Trương Nguyễn Thoại Giang (47 tuổi, quê Bình Dương, hiện làm việc cho Chính phủ Australia) đã trải qua nhiều hình thức thuê nhà, từ homestay, phòng của người Australia, phòng của người Việt, thuê lại phòng của du học sinh Việt Nam khác. Bạn bè có người từng sống trong unilodge (cư xá sinh viên) và studio (căn hộ một phòng). Nếm trải nhiều buồn vui khi thuê phòng, chị Giang đã chia sẻ kinh nghiệm với du học sinh.

Lúc mới chân ướt chân ráo qua Melbourne (thành phố lớn thứ hai Australia), tôi chọn ở homestay với mục đích trau dồi Anh ngữ và học hỏi văn hóa của người bản xứ. Quy định của homestay nơi tôi ở rất chi tiết, không được tắm, giặt và làm ồn sau 10h tối. Khi tắm thì thời gian nước chảy không quá 4 phút. Tôi không gặp rắc rối với những luật lệ này, nhưng cô bạn người Hàn Quốc bị cảnh cáo và yêu cầu dọn ra vì có thói quen tắm mỗi lần 15-20 phút.

Australia là lục địa khô nên người dân được yêu cầu tiết kiệm nước mọi lúc mọi nơi và chủ nhà cũng không thích trả nhiều tiền nước. Chủ nhà là người Australia gốc Italy nên chúng tôi được ăn mì hầu như mỗi ngày. Nếu ở Việt Nam chúng ta chỉ biết đến món mì ống (spaghetty) thì chị chủ nhà nấu hơn 10 loại mì Italy, hết spaghetty, tới macaroni, gnocchi, fettuccin… với đủ thứ loại nước sốt và phô mai (cheese). Chị cũng cố gắng làm đồ ăn Á châu, nhưng cơm chị ấy nấu như gạo luộc, có khi còn bị sống ăn cứ nghe sựt sựt.

Không hợp khẩu vị nên ở homestay một thời gian ngắn tôi liền dọn ra ngoài. Trước đây tôi ít chú ý đến vấn đề ăn uống, nhưng từ ngày ở homestay với người nước ngoài tôi mới nghiệm ra rằng chỉ có cơm mẹ nấu là món duy nhất tôi có thể ăn từ ngày này qua tháng nọ mà không ngán. Về mặt tiếng Anh thì tôi thấy cũng chẳng học hỏi được gì ngoài những câu nói thông thường. Ai cũng bận rộn và người Australia không có thói quen sửa lỗi khi bạn nói sai. Tuy nhiên, homestay cũng có mặt tích cực là giúp tôi hiểu được cách sinh hoạt của người bản xứ, tự tin hơn, không rụt rè co cụm với những du học sinh Việt Nam khác.

Sau đó tôi thuê phòng của một cặp vợ chồng người Australia. Họ ở trên lầu, tầng trệt có hai phòng cho thuê, phòng kia của cựu sinh viên người Pakistan đang đi làm. Anh Pakistan đã cưới vợ nhưng theo tôn giáo của họ thì một năm sau mới được ở chung. Người vợ ở Sydney mỗi tuần gửi một giỏ đồ ăn xuống, anh ta chỉ việc cho vào lò vi sóng hâm lại.

Chủ nhà có một quy tắc ngầm là chỉ một người dùng nhà bếp ở bất cứ lúc nào để tránh chộn rộn. Nhưng họ cũng tò mò xem tôi nấu nướng và tỏ ra vô cùng kinh ngạc với món cháo huyết và sương sáo. Đó là những thức ăn mà họ chưa bao giờ biết đến và cũng không dám nếm thử.

Hợp đồng thuê phòng dài 3 trang A4 với những điều khoản rõ ràng về tiền bạc, phân công vệ sinh hàng tuần, chia tiền bill (điện, nước, gas) như thế nào. Người thuê nhà không được sử dụng phòng ăn (formal dining room) trong bất cứ dịp gì, không được lên lầu, không được cho chó mèo của chủ ăn. Cho nên không có chuyện bạn đang ăn tối rồi hứng chí quăng cho chó cục xương. Chủ nhà nói chung rất công bằng, cứ tuân thủ theo quy định thì mọi chuyện đều ổn thỏa.

Sau một thời gian “phiêu lưu” với người bản xứ, tôi quay lại thuê nhà của người Việt, giá cả mềm hơn, đồng hương với nhau nên cũng thân tình hơn. Anh chủ nhà đã ly dị vợ, sống một mình, cuối tuần thường rước đứa con 9 tuổi về nhà chơi. Nhà ở Australia khác nhà Việt Nam là không phòng nào có khóa, muốn làm khóa thì bạn phải xin phép chủ nhà. Tôi ngại nên thôi bỏ qua.

Anh chủ nhà thỉnh thoảng đi nhậu về trễ nên tôi cũng lo anh ấy đi lộn phòng, nhưng may quá ở đó cả năm mà anh không bao giờ bị “ma men dẫn đường”. Chỉ có tôi nhiều hôm sáng sớm còn ngái ngủ, cứ mở cửa toilet mà quên coi bên trong có đèn hay không. Có lẽ anh ấy đã đề phòng nên chặn lại liền.

Chủ nhà tử tế nhưng suy nghĩ hơi khác thường. Mùa đông ban ngày tôi không được bật sưởi cao hơn 20 độ C vì sợ keo chảy hư tủ gỗ; ban đêm phải tắt sưởi khi ngủ vì sợ cháy nhà. Trong khi đêm đông nhiệt độ trung bình là 5 độ C mà nhà cửa ở Australia không cách nhiệt tốt như những xứ Bắc Mỹ hay châu Âu nên khi ngủ tôi phải trang bị nào là áo ấm, quần dày, vớ, găng tay, nón len, nhìn như phi hành gia, chỉ khác là phi hành gia này còn đắp thêm 3 cái chăn.

Năm cuối đại học tôi ở nhà một người bạn. Bạn này cũng là du học sinh Việt Nam đứng ra thuê nguyên căn nhà 4 phòng rồi cho thuê lại 3 phòng. Ưu điểm khi sống chung với các bạn sinh viên khác độ tuổi là có thể học hỏi lẫn nhau. Cùng là du học sinh nên thấu hiểu, đồng cam cộng khổ. Nhưng vì là bạn bè quen biết nên xuề xòa, không có quy ước rõ ràng. Cha chung không ai khóc, ai cũng lười làm vệ sinh mà tôi vốn sạch sẽ nên cuối tuần nào cũng phải hì hục lau nhà, chà toilet, lâu lâu còn phải dọn vườn nếu không muốn cỏ rác ngập tới đầu.

Lịch sinh hoạt khác nhau cũng gây ra nhiều phiền toái. 10h tối là tôi lên giường thì ngược lại bạn sinh viên phòng đối diện có thói quen sống về đêm, cứ gần sáng là bạn ấy chơi phóng lao bụp bụp. Tôi góp ý, bạn ấy dạ nghe rất ngoan nhưng sau đó vẫn chứng nào tật nấy. Bạn ấy còn có thói quen chất rác đầy phòng, mỗi lần mở cửa ra là ôi thôi tưởng như xe chở rác vừa mới chạy ngang.

Unilodge (cư xá sinh viên) của Đại Học Victoria University. Ảnh: Thoại Giang

Tôi cũng có dịp vào unilodge chơi với người bạn. Những nơi này an ninh, gần trường, gần trung tâm, nhưng phòng nhỏ, chật hẹp, nhà ăn, bếp và phòng sinh hoạt, vệ sinh, giặt sấy phải dùng chung với các sinh viên khác. Khi giặt sấy quần áo, bạn phải mất thời gian ngồi canh nếu không muốn bị thất lạc và tiền giặt sấy cũng không hề rẻ. Bạn tôi tiết kiệm mỗi tháng chỉ giặt đồ một lần, nên quần áo mặc cả tuần mới thay.

Có bạn kinh tế dồi dào thì thuê studio, mặc dù giá hơi cao, đổi lại bạn ấy được tự do, phòng có bếp và toilet riêng, không đụng chạm ai. Nhưng cũng như trong unilodge, phòng studio không có máy giặt, chỗ phơi đồ, phải dùng chung với những cư dân khác. Tòa nhà chung cư cũng có quy định là không được làm ồn sau 10h đêm và cư dân nên tuân thủ nếu không muốn bị hàng xóm khủng bố bằng trứng thối và sốt cà chua. Hơn nữa, studio thường cho thuê trống không (unfurnished) nên trước khi dọn, bạn phải mua sắm đủ thứ từ giường, nệm, bàn ghế, lò vi sóng cho tới nồi niêu xoong chảo, đến khi chuyển nhà lại bán tống bán tháo nếu chỗ mới đã có đầy đủ nội thất (fully furnished).

Thông thường cứ vào đầu năm học là tôi thuê nhà mới. Cuối năm về Việt Nam tôi trả nhà để khỏi tốn tiền giữ chỗ. Vì vậy, đồ đạc của tôi rất gọn nhẹ vừa đủ chất lên một chuyến xe hơi nhờ người quen chở dùm tới gửi tạm nhà kho của bạn bè. Mỗi lần trở lại Australia, tôi tá túc tạm với bạn bè dăm bữa nửa tháng trong khi liên hệ tìm nhà thuê.

Chuyện du học sinh chuyển nhà nhiều lần trong năm học không phải là hiếm, làm đảo lộn sinh hoạt, cho nên bạn hãy cân nhắc kỹ trước khi thuê. Tiêu chí thuê nhà của tôi là gần điểm có phương tiện công cộng để tiện đi học đi làm, giá cả hợp lý, phòng ốc vệ sinh, khu phố an toàn, có Internet, vật dụng đầy đủ. Tôi luôn hẹn gặp chủ nhà, tận mắt coi nhà, gặp gỡ người sẽ thuê chung xem có hợp nhau không trước khi ký hợp đồng thuê và đặt cọc tiền (bond).

Các bạn có thể tìm kiếm thông tin thuê nhà qua website của những trường đại học tại thành phố bạn sắp theo học, unilodge, thông qua bạn bè hay các trang Facebook như “Hội sinh viên Việt Nam tại Melbourne”. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ ít nhiều góp phần giúp các bạn tân sinh viên thuê được nhà phù hợp, ổn định chỗ ở và an cư lạc nghiệp.

Nguồn: Vnexpress.net – Thoại Giang

SHARE

Bình luận đã bị đóng.