Những ‘hình mẫu’ chống Covid-19 đối mặt làn sóng mới

0
373
Những 'hình mẫu' chống Covid-19 đối mặt làn sóng mới
Những 'hình mẫu' chống Covid-19 đối mặt làn sóng mới

Từng được xem là hình mẫu chống nCoV, Australia, Hong Kong hay Nhật giờ đây đối phó với đợt bùng phát mới, cho thấy thách thức trong cuộc chiến chống dịch.

Australia chỉ báo cáo vài ca nhiễm mới hồi đầu tháng 6, trong khi đặc khu Hong Kong của Trung Quốc qua ba tuần không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng trong tháng đó. Nhật Bản đã dỡ tình trạng khẩn cấp hồi tháng 5, khi số ca nhiễm mới giảm xuống vài chục người trên cả nước.

Tuy nhiên, cả ba nơi đều báo cáo số ca nhiễm mới hàng ngày tăng trở lại trong tuần qua, cho thấy việc ngăn chặn nCoV khó khăn tới mức nào, ngay cả với những quốc gia, thành phố hành động sớm và quyết đoán.

Dù số ca nhiễm mới ở ba khu vực này vẫn còn nhỏ so với nhiều vùng dịch lớn nhất của thế giới, làn sóng bùng phát mới phản ánh thách thức mà giới chức phải đối mặt khi vừa phải kiểm soát dịch vừa muốn mở cửa nền kinh tế.

Một bước đi sai có thể nhanh chóng khiến mọi thành quả của nhiều tuần đóng cửa “đổ sông đổ bể” và các chuyên gia y tế cho biết thái độ tự mãn hay tâm trạng mệt mỏi vì các biện pháp cách biệt cộng đồng là điều không thể tránh khỏi trong một đại dịch kéo dài.

Xe cứu thương đỗ bên ngoài một trong 9 tòa nhà bị phong tỏa do Covid-19 ở Melbourne, Australia hôm 6/7. Ảnh: AFP.

Xe cứu thương đỗ bên ngoài một trong 9 tòa nhà bị phong tỏa do Covid-19 ở Melbourne, Australia hôm 6/7. Ảnh: AFP.

Victoria, bang phía đông nam Australia, đã báo cáo 484 ca nhiễm mới hôm 22/7, mức cao nhất được ghi nhận từ hồi tháng 3. Tới ngày 27/2, số ca nhiễm mới trong ngày của bang tiếp tục tăng lên 532, phần lớn tập trung ở thành phố Melbourne.

“Chúng tôi chỉ ghi nhận 2 ca nhiễm hôm 9/6, cách đây chưa tới 6 tuần, và điều này cho thấy các ổ dịch có thể bùng phát và lây lan nhanh như thế nào”, Michael Kidd, quan chức y tế cấp cao Australia, nói.

Bang Victoria đã báo cáo khoảng 7.000 ca nhiễm mới từ ngày 9/6.

Giám đốc Sở Y tế bang Brett Sutton tháng này cho biết có thể thấy hầu như, không phải tất cả, ca nhiễm mới đều bắt nguồn từ việc các nhân viên tại khách sạn cách ly dành cho người từ nước ngoài trở về đã vi phạm quy tắc kiểm soát dịch. Các ổ dịch từ đó đã xuất hiện trong các trường học, nhà ở công cộng và trung tâm chăm sóc người cao tuổi.

“Rõ ràng chúng tôi đã có sai lầm trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch”, Daniel Andrews, thủ hiến bang Victoria, nói hôm 30/6.

Melbourne, thành phố đông dân thứ hai của Australia, đã đi được nửa chặng đường trong lệnh tái phong tỏa dài 6 tuần. Che mặt hoặc đeo khẩu trang là yêu cầu bắt buộc khi phải ra ngoài vì lý do thiết yếu, nhưng số ca nhiễm mới không ngừng tăng lên.

“Chúng tôi từng tiến rất gần tới việc xóa sổ Covid-19 khỏi toàn bộ Australia”, Adrian Esterman, giáo sư về thống kê sinh học tại Đại học Nam Australia, nói. “Chúng tôi đã lơ là và điều này xảy ra”.

Esterman thêm rằng nếu số ca nhiễm mới hàng ngày được giữ ở mức hiện tại, các đội theo dõi lịch sử tiếp xúc để xác định đường lây nhiễm sẽ rơi vào tình trạng quá tải.

Nhật Bản cũng đang chứng kiến làn sóng tái bùng phát tương tự. Tại Tokyo, số ca nhiễm mới hàng ngày trung bình trong 7 ngày gần đây là 258 ca, gấp hơn 4 lần so với trước đó. Nhật Bản đã ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục vào hôm 23/7 với 981 người. Chính phủ Nhật Bản một lần nữa phải biến khách sạn trở thành khu cách ly cho người nhiễm nCoV, sau khi đã giải phóng hết số phòng từng được trưng dụng trước đó.

Giới chức cho biết nhiều ca nhiễm mới là người trẻ tuổi, có liên quan tới các khu vui chơi giải trí ban đêm, cũng như các bữa tiệc hoặc sự kiện tụ tập đông người.

Tuần trước, chính phủ Nhật Bản đã thúc đẩy chiến dịch vực dậy du lịch nội địa trị giá 10 tỷ USD, tuy nhiên loại trừ các chuyến đến và đi từ Tokyo.

Khi được hỏi về làn sóng lây nhiễm thứ hai, người phát ngôn của Thủ tướng Shinzo Abe đã đề cập tới một tuyên bố vào hôm 22/7, trong đó ông Abe bảo vệ chiến lược vừa kiểm soát dịch vừa mở cửa kinh tế của chính phủ.

“Tình hình hiện tại rất khác so với những gì chúng ta thấy hồi tháng 4, khi đất nước đang trong tình trạng khẩn cấp, bởi hầu hết ca nhiễm mới đều là người trẻ và bệnh viện chưa bị quá tải”, ông Abe nói. Thủ tướng Nhật Bản thêm rằng chính phủ “sẽ tiếp tục cảnh giác cao trước các nguy cơ lây lan dịch”, trong khi từng bước mở cửa kinh tế trở lại.

Nhân viên y tế lấy mẫu sinh phẩm tại một điểm xét nghiệm nCoV ở Hong Kong tháng này. Ảnh: Zuma Press.

Nhân viên y tế lấy mẫu sinh phẩm tại một điểm xét nghiệm nCoV ở Hong Kong tháng này. Ảnh: Zuma Press.

Đối mặt với viễn cảnh suy thoái kéo dài sau những cuộc biểu tình kéo dài và sau đó là đại dịch, Hong Kong đã tặng cho mỗi cư dân thường trú 1.290 USD để khuyến khích họ chi tiêu, giúp vực dậy nền kinh tế bị suy thoái.

Giới chức thành phố ngày 16/6 đã dỡ bỏ hạn chế đối với các nhà hàng, phòng tập gym và sự kiện trọng nhà. Thành phố đã không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng cho đến ngày 5/7.

Tuy nhiên, Hong Kong sau đó đã chứng kiến đợt bùng phát mới và ghi nhận thêm hơn 1.300 ca nhiễm, trong đó 87% là lây nhiễm cộng đồng. Chỉ vài ngày sau khi cư dân nhận được tiền hỗ trợ, thành phố lại phải áp đặt biện pháp hạn chế hoặc đóng cửa đối với các phòng gym, quán bar và nhà hàng.

Chuyên gia dịch tễ học địa phương tin rằng các bước đi sai lầm của chính quyền Hong Kong, như miễn xét nghiệm và cách ly 14 ngày đối với khách nước ngoài thực hiện công việc thiết yếu, như phi công, phi hành đoàn các chuyến bay thương mại và thủy thủ đoàn tàu chở hàng, là nguyên nhân dẫn tới đợt bùng phát mới. Thành phố đã chứng kiến đợt bùng phát đầu tiên do du khách đến từ Vũ Hán hồi cuối tháng 1 và làn sóng thứ hai vào tháng 3, khi nhiều hành khách và sinh viên từ nước ngoài trở về.

Hong Kong sẽ siết chặt các quy định sau đợt bùng phát mới nhất. Bắt đầu từ ngày 29/7, Mỹ sẽ được thêm vào danh sách quốc gia có nguy cơ cao, yêu cầu tất cả hành khách đến từ Mỹ phải có chứng nhận âm tính với nCoV và chứng minh đã cách ly đầy đủ trước khi lên máy bay.

“Vấn đề là chúng tôi có quá nhiều người được miễn trừ”, tiến sĩ Leung Chi-chiu, chủ tịch ủy ban cố vấn về bệnh truyền nhiễm thuộc Hiệp hội Y khoa Hong Kong, cho hay. Từ tháng 4 tới giữa tháng 7, ít nhất 161.000 người tới Hong Kong đã được miễn trừ xét nghiệm và cách ly, theo thống kê chính thức.

Giới chức y tế thành phố xác định một số cụm dịch bùng phát gần đây liên qua tới ít nhất 9 tài xế taxi và gia đình, cùng những người từng tới các nhà hàng. 6 thành viên của 6 tàu chở hàng đến Hong Kong được báo cáo nhiễm nCoV, trong khi yêu cầu xét nghiệm bắt buộc từ ngày 8/7 cũng giúp phát hiện nhiều thành viên của các hãng hàng không dương tính với nCoV.

Ngày 26/7, Hong Kong cho biết đã bắt đầu cấm các tàu chở hàng và chở khách thay thế thủy thủ đoàn, ngoại trừ những người làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng trong thành phố.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Joseph Tsang Kay-yan cho biết tâm lý mệt mỏi cũng là một yếu tố có thể khiến dịch bùng phát, khi cư dân thành phố phải sống với các biện pháp cách biệt cộng đồng trong hơn 6 tháng.

Hầu hết người dân Australia đã tận hưởng một khoảng thời gian khá dài không có lây nhiễm trong cộng đồng.Tốc độ kiểm soát đợt bùng phát đầu tiên tương đối nhanh và tỷ lệ tử vong thấp có thể đã góp phần tạo ra cảm giác tự mãn trước khi đợt bùng phát thứ hai tấn công, bất chấp cảnh báo liên tục từ chính phủ, theo các chuyên gia y tế cộng đồng.

Andrews, thủ hiến Victoria, tuần trước cho biết gần 90% người dân không tự cách ly từ khi xuất hiện triệu chứng đến lúc làm xét nghiệm. Ngay cả khi đã làm xét nghiệm, hơn 50% người dân cũng không tự cách ly trong lúc chờ kết quả.

“Câu trả lời không nằm ở việc giả vờ rằng đại dịch đã qua vì tất cả những gì chúng ta muốn là hết dịch. Trên thực tế, thái độ đó là một phần của vấn đề”, ông nói.

Theo Wall Street Journal

 

SHARE

Bình luận đã bị đóng.