Ngọn lửa đã hủy hoại những khu rừng, các công viên quốc gia như Blue Mountains, một số thành phố lớn gồm Sydney và Melbourne cũng bị ảnh hưởng.
Các vụ cháy rừng từ tháng 9/2019 đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho Australia. Theo BBC, có khoảng 6,3 triệu ha rừng rậm và công viên đã bị đốt cháy, ít nhất 24 người thiệt mạng, gồm lính cứu hỏa và tình nguyện viên.
Các vụ cháy rừng ở đông nam Australia có thể thấy rõ qua các vệ tinh từ không gian. Trên ảnh là hình vệ tinh được chụp vào ngày 24/7/2019 trước thảm họa và khói bốc lên từ những đám cháy vào ngày 1/1/2020.
Trước đó, Australia đứng đầu bảng xếp hạng quốc gia có chất lượng không khí tốt nhất, theo Chỉ số hiệu suất môi trường năm 2018 (EPI). Quốc gia này được biết đến với thiên nhiên, cảnh quan đa dạng. Xứ sở chuột túi sở hữu khoảng 8% loài động, thực vật có mặt trên trái đất. Tuy nhiên, bầu trời từ Sydney đến Canberra và Melbourne đang bị bao trùm bởi khói. Theo Nytimes, hàng triệu người Australia đang hít thở không khí độc hại, bắt nguồn từ khói của những vụ cháy. Ảnh: Joshua Stevens/NASA EODIS.
Thủ đô Canberra
Canberra là một trong những thủ đô có không khí trong lành nhất thế giới, với vườn ươm rộng 250 ha và sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, làn khói dày đặc từ các đám cháy gần đó đã bao phủ lên bầu trời thành phố. Ngày 2/1/2020, nơi đây ghi nhận chất lượng không khí xấu nhất, với mức độ ô nhiễm hạt mịn đạt mức nguy hiểm. Ảnh: EQRoy, Narendra Shrestha/Shutterstock.
Sydney
Sydney là thành phố du lịch lớn nhất của đất nước với những bãi biển đẹp, công viên quốc gia rộng lớn. Các biểu tượng du lịch của thành phố là bãi biển Bondi, nhà hát Opera Sydney và khu vực cầu cảng.
Mặc dù không bị cháy trực tiếp, khói và tro từ các đám cháy vùng nông thôn đã dạt đến vùng ngoại ô, làm cho chất lượng không khí giảm nghiêm trọng. Theo CNN, vùng ngoại ô phía tây của Sydney, nhiệt độ tăng lên mức kỷ lục 48,9 độ C. Thị trấn Balmoral, phía tây nam thành phố đã bị phá hủy và hàng loạt ngôi nhà bị san phẳng. Ảnh: Jiri Foltyn, MW Hunt/Shutterstock.
Di sản thế giới Blue Mountains
Đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Australia. Năm 2000, Blue Moutains được ghi vào danh sách Di sản Thế giới với những khu rừng nhiệt đới tươi tốt. Có hơn 400 loài động vật khác nhau cư trú tại các hẻm núi ở đây, một số loại vào diện có nguy cơ tuyệt chủng và bị đe dọa.
Theo báo cáo của Guardian vào đầu tháng 12/2019, có hơn 20% diện tích của khu vực Di sản thế giới bị đốt cháy. Trang web công viên quốc gia Australia và Google đã phát cảnh báo về các đám cháy ở các công viên gồm Wollemi, Kosciuszko. Toàn bộ công viên và tuyến đường đóng cửa cho tới khi có thông báo mới. Ảnh: Darryl Leach/Shutterstock, AAP.
Khu vực bờ biển trung bắc New South Wales
Nằm giữa vịnh Nelson và Woolgoola, khu vực bờ biển sở hữu những dải bạch đàn và rừng nhiệt đới. Đây là nơi du khách có thể bơi lội, lướt sóng, câu cá, thăm cá heo mũi chai, dã ngoại và cắm trại. Các thị trấn lớn ở đây là Port Macquarie và Coffs Harbour.
Khi đám cháy diễn ra, bầu trời ở các bãi biển trở nên đỏ rực, cát ám màu đen do tro tàn. Hầu hết bãi biển ở đây bị đóng cửa do chất lượng không khí thấp. Ảnh: Stephane Debove, Steve Drew.
Đảo Kangaroo
Đây là hòn đảo lớn thứ 3 của Australia, nổi tiếng về sự hoang sơ và ngành công nghiệp thực phẩm. Trên khắp hòn đảo có 4.500 người sinh sống, nhiều động vật hoang dã, từ kangaroo, gấu túi, chuột wallaby, nhím và thằn lằn Goannas. Ở đây, ngoài tham quan động vật, du khách có thể trèo thuyền kayak, lướt sóng, thám hiểm hang động, đi xe đạp bốn bánh và trượt cát.
Các đám cháy đã phá hủy khoảng 100.000 ha đất, bao gồm cả phần lớn của công viên quốc gia Flinder Chase. Hỏa hoạn đã gây ra cái chết của hàng nghìn con gấu koala, chuột túi và có thể xoá sổ quần thể 300 con chuột túi dunnart trên hòn đảo. Ảnh: Si, News Corp Australia.
Miền đông Victoria
Điểm du lịch sở hữu những công viên ven biển hoang sơ, rừng già và bãi biển cát rắng. Đây cũng là nơi sinh sống của các loài động vật như Kangaroo xám phương đông, gấu túi, thằn lằn Australia và chim ly ly.
Theo ước tính, các ngọn lửa ở phía đông bắc đã thiêu đốt 130.000 ha và phá hủy các ngôi nhà ở Cudgewa, Corryong, Tintaldra và Towong. Có khoảng 110 ngôi nhà bị phá hủy, 4 người mất tích và hàng nghìn vật nuôi chết trong đám cháy. Dù những ngày vừa qua các cơn mưa đã giúp nhiệt độ giảm, bớt khói bụi. Tuy nhiên nhân viên cứu hỏa cho biết, các đám cháy có thể bùng phát trở lại vào cuối tuần, khi thời tiết nắng nóng. Trên ảnh là đám cháy rừng ở vùng ven biển đông Gippsland ngày 4/1/2020. Ảnh: Visit Gippsland/Reuters.
Công viên động vật hoang dã Mogo
Cùng với ngựa vằn, tê giác và hươu cao cổ, công viên còn có bộ sưu tập linh trưởng lớn nhất Australia cùng một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Khi đám cháy đang phá hủy thị trấn và người dân được lệnh sơ tán, nhân viên sở thú đã quyết ở lại để bảo vệ các con vật. 200 động vật được di tản tới nơi an toàn hoặc ở trong nhà của bảo vệ vườn thú. Ảnh: Bay Post Moruya, Chad Staples.
Hiện tại, các đám cháy chủ yếu bùng phát ở các bang Victoria, New South Wales và Nam Australia, một số thành phố lớn như Sydney, Canberra và Adelaide cũng bị ảnh hưởng.
Hàng nghìn người dân và khách du lịch đã được sơ tán khỏi khu vực ảnh hưởng. Nếu du lịch tới Australia, bạn cần lưu ý tránh khu vực bờ biển phía nam New South Wales, đảo Kangaroo. Hiệp hội Y khoa Australia cảnh báo những du khách nhạy cảm với khói thuốc, mắc bệnh tim, phổi cần cẩn thận hơn khi ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi đám cháy.
Tuy nhiên, Australia là một quốc gia rộng lớn, các khu vực không xảy ra hỏa hoạn vẫn mở cửa bình thường. Hiện tại các khu vực phía bắc, tây Australia và Tasmania vẫn được coi là an toàn. Du khách có thể cập nhật thêm tin tức từ đài truyền hình quốc gia Australia, trang tin tức ABC hoặc tải ứng dụng tìm đám cháy (The Fires Near Me).
Trước chuyến đi, hãy kiểm tra chính sách đổi phòng hoặc vé máy bay, trong trường hợp đến khu vực xảy ra hỏa hoạn từ các đơn vị cung cấp.
Nguồn: vnexpress.net