Đánh giá của du học sinh Việt về học online

0
643

AUSTRALIA-Trong khi Quỳnh Trang, Nguyễn Vinh không thích học online vì không hiệu quả, nghe “chữ được chữ mất” thì Tường Vi lại thích vì “đỡ mất thời gian tới trường”.

Không về Việt Nam tránh dịch, Quỳnh Trang, sinh viên ngành Quảng cáo du lịch, Học viện William Angliss, ở lại Australia học online. Trang đánh giá với những tiết lý thuyết, học online cũng gần như lên giảng đường, chủ yếu giáo viên thuyết trình, sinh viên ngồi nghe. Nếu muốn tiếp thu tốt, sinh viên cần in bài và xem trước, ghi chú khi giáo viên giảng, hết giờ nếu có thắc mắc thì hỏi riêng.

Giao tiếp giữa giáo viên và sinh viên hạn chế khi học online nên hiệu quả truyền đạt giảm đi nhiều. Khi vướng mắc, Trang phải gửi email và nhưng “vấn đề là phải mất vài ngày mới nhận được hồi âm, lúc đó thì mình không cần thông tin này nữa vì đã tìm được lời giải đáp”.

Giáo viên không giám sát được sinh viên nên rất nhiều bạn vào trễ ra sớm. Khi có việc cần dặn dò, giáo viên phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt buổi học, lãng phí thời gian. Học online không ai kiểm tra, sinh viên có quá nhiều tự do, dễ bị mạng xã hội cám dỗ, ngồi học mà mải mê canh tin nhắn Facebook.

Đôi khi đường truyền Internet hạn chế, giọng thầy cô bị rè, không nghe rõ, Trang không hiểu bài giảng. Nhiều giáo viên đứng tuổi không thành thạo công nghệ, một lớp học online hai tiếng thì loay hoay hết nửa tiếng chỉnh sửa thiết bị, phần mềm, làm gián đoạn tiết học.

Đối với những giờ thực hành, hoặc làm việc nhóm, học online càng khó khăn. Trang kể, do không có sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên, nhiều bạn không hợp tác, tinh thần học tập hạn chế, không kích thích sự tham gia sáng tạo. Giữa sinh viên với nhau cũng không có sự giao tiếp qua lại như trên lớp học, thảo luận nhóm không sôi nổi, đa phần các bạn im lặng.

Những môn học của Trang hầu hết là lý thuyết nên nghe thầy cô giảng bài online dù không hiệu quả như trên giảng đường nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Bạn của Trang học Y ở Monash University cho biết những môn thí nghiệm được lùi qua kỳ sau. Nhưng cũng có những tiết thực hành đi đôi với lý thuyết không hoãn được phải học online. Những tiết học này chẳng khác gì coi YouTube, thắc mắc không thể hỏi đáp ngay, không nhìn tận mắt, sờ tận tay, ngửi mùi, hay cảm nhận được không khí lớp học.

Trang cho rằng để học online hiệu quả, sinh viên phải coi như đang đi học bình thường, lên mạng đúng giờ, tập trung nghe giảng, ghi chú, tắt điện thoại để tránh xao lãng. Sinh viên cần duy trì việc email cho giáo viên hàng tuần để không bị mất trớn, đảm bảo theo kịp bài vở, đi đúng hướng. Khi học thực hành, học nhóm, sinh viên nên tích cực tham gia đóng góp ý kiến vì lợi ích chung.

Mặc dù học online cũng có cái lợi là tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, Trang chỉ mong mau hết dịch để được đi học bình thường như trước.

Nguyễn Vinh, học thạc sĩ Tài chính ở RMIT University gặp phải những vấn đề khác khi học online. Vinh mới từ Việt Nam qua, lên lớp được vài tuần thì trường chuyển qua dạy online do Covid-19. Chưa quen với tiếng Anh của giáo viên người Australia nên Vinh nghe giảng bài chữ được chữ mất.

Vinh muốn làm bài tập lớn cần tham khảo sách, nhưng thư viện trường đóng cửa. Thư viện online có đầy đủ tạp chí chuyên ngành, nhưng nhiều sách Vinh cần không có bản điện tử. Được hỏi hết dịch sẽ làm gì, Vinh trả lời “Đi thư viện”.

Trái với những du học sinh trên, Tường Vi đang học Cao đẳng Dịch vụ Cộng đồng ở Học viện Holmesglen thích học online hơn là đến lớp. Vi nói do hướng nội và du học Australia đã gần mười năm nên không khó khăn nghe hiểu tiếng Anh. Em cũng thích sự yên tĩnh của lớp học online và thấy dễ tập trung hơn.

Trường Holmesglen sử dụng WebEx để dạy và học online. Vi đánh giá WebEx hiệu quả hơn Zoom do có nhiều chức năng phụ. Sinh viên có thể chat để đóng góp ý kiến trong khi thầy cô đang giảng bài mà không làm gián đoạn lớp học. WebEx còn có chức năng giơ tay nếu muốn phát biểu, giáo viên cũng có thể vừa giảng vừa chia sẻ tài liệu ở một cửa sổ khác ngay bên cạnh.

Có những lớp Vi phải tham gia theo thời khóa biểu, thường là lúc 10h sáng, nhưng cũng có những lớp không ràng buộc về giờ giấc, có thể học bất cứ lúc nào, nên Vi có thể chủ động thời gian. Học online, Vi tiết kiệm được hai tiếng đi lại mỗi ngày, cùng với tiền xăng và tiền đậu xe. Em không cần son phấn, thay quần áo đi học, thỉnh thoảng thức dậy trễ có thể vừa ăn sáng, vừa học.

Tuy nhiên, trong chương trình năm nay có phần diễn kịch, Vi chưa nghe thông báo sẽ phải thực hiện bằng cách nào. Ví dụ khi diễn nội tâm, Vi cần nhìn vào mắt của bạn diễn và giáo viên phải có khả năng quan sát được toàn cảnh để đánh giá và chấm điểm. Hơn nữa, do học online ít tương tác giữa sinh viên, hầu như chỉ giáo viên độc thoại nên Vi không học hỏi từ những phản biện của sinh viên khác.

Đến chiều 11/4, Covid-19 đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm 1,7 triệu người nhiễm, trong đó 103.000 người tử vong. Australia ghi nhận 6.292 người nhiễm, 56 người tử vong.

Hiện Australia có hơn 25.000 du học sinh Việt Nam. Thời gian qua chỉ một số ít trở về nước tránh Covid-19, đa số chọn ở lại để không bị gián đoạn việc học, vi phạm điều kiện visa và ảnh hưởng tới những dự định tương lai.

Nguồn: https://vnexpress.net/danh-gia-cua-du-hoc-sinh-viet-ve-hoc-online-4083198.html

SHARE

Bình luận đã bị đóng.